Phát triển cây Tràm Trà đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân và hơn thế nữa!

Ngày đăng: 25/10/2022 - 09:25 AM

Phát triển cây Tràm Trà đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân và hơn thế nữa!

 

Do có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm mạnh và không hại da nên tinh dầu Tràm Trà được sử dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống như nước súc miệng, mỹ phẩm bôi da, nước hoa, dầu gội đầu, xà phòng thơm, kem đánh răng…

Cây Tràm Trà non được ương bằng hình thức giâm cành.

Cây Tràm Trà có tên khoa học là  (Melaleuca alternifolia (Maiden & Betche) Cheel), cây có nguồn gốc từ bờ biển phía đông bắc của New South Wales và một ít tại Atherton của Queensland thuộc nước Úc, tại nước Úc cây này này được Joseph Maiden và Ernst Betche mô tả đầu tiên vào năm 1905, lúc đó gọi nó là Melaleuca linariifolia, sau đó Edwin Cheel đặt lại tên là Melaleuca alternifolia vào năm 1925. Tinh dầu Tràm Trà có giá trị kinh tế khá cao trên thị trường mỹ phẩm và dược liệu của thế giới. Tràm trà thích nghi khá tốt tại vùng đất cao, hoang hóa và nhiễm phèn.

Sơ nét về cây Tràm Trà

Vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) có diện tích khoảng trên 300.000ha, trong đó phần lớn là đất bị nhiễm phèn. Đất phèn được hình thành từ trầm tích đầm lầy biển. Đất phèn ở vùng ĐTM của tỉnh Long An phân bố khá nhiều ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ và Thủ Thừa. Đất phèn ở vùng ĐTM bao gồm hai nhóm chính: Đất phèn tiềm tàng (Sulfaquents) và đất phèn hoạt động (Sulfaquepts).

Kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Văn Lưu, Trạm trưởng Trạm Thực nghiệm Lâm nghiệp Thạnh Hóa (TNLN) thuộc Viện khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ cho biết: “Cây Tràm Trà có tên khoa học là (Melaleuca alternifolia) đã được trồng thử nghiệm tại một số vùng đất cát ven biển hoặc đất xám trên địa hình trung bình – cao tại một số khu vực phía Bắc Việt Nam. Tại Long An Tràm Trà được trồng trên khu vực đất phèn thuộc các huyện Mộc Hóa và Thạnh Hóa trong những năm gần đây và cho thấy sinh trưởng khá tốt nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt cây chịu được phèn nặng, nhưng phát triển tốt ở vùng đất cao, ráo”.

Trạm Trưởng Trạm TNLN Thạnh Hóa Nguyễn Văn Lưu đang chăm sóc vườn ươm cây Tràm Trà non.

Cũng theo Trạm trưởng Nguyễn Văn Lưu, các báo cáo khoa học cho thấy tinh dầu Tràm Trà có tác dụng kháng Candida albicans, các men, nấm trên da. Do có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm mạnh và không hại da nên tinh dầu Tràm Trà được sử dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống như nước súc miệng, mỹ phẩm bôi da, nước hoa, dầu gội đầu, xà phòng thơm, kem đánh răng…

Ngoài ra, tinh dầu Tràm Trà sử dụng trực tiếp để trị mụn cóc, nám da do nấm và nhiều loại dược liệu khác nhau. Tinh dầu Tràm Trà cũng thể hiện có hoạt tính kháng virus mạnh, nhất là trên virus tự do, nó ức chế hoàn toàn sự hình thành mảng bám với 1% tinh dầu và làm giảm hình thành mảng bám khoảng 10% với 0,1% tinh dầu.

Tinh dầu Tràm Trà là loại thuốc chữa các bệnh ngoài da thông thường rất có hiệu quả như: Mụn trứng cá, mụn nhọt, eczema; nhiễm trùng da như mụn rộp, vết thương, mụn cóc, bỏng, côn trùng cắn và bệnh nấm móng tay, bệnh nấm da bàn chân, mồ hôi chân, nhọt, nấm onychia.

Theo số liệu của Trạm TNLN, hiện nay diện tích cây Tràm Trà trên địa bàn tỉnh khoảng gần 10ha, riêng tại Trạm TNLN khoảng gần 08 ha. Hiện đã có một số cơ sở trên địa bàn tỉnh tự sản xuất và thu mua nguyên liệu lá cây Tràm Trà để chế biến tinh dầu Tràm Trà.

Những lợi thế của cây Tràm Trà

Tràm Trà là nhóm cây bụi cao, khoảng từ 4 - 7 m, thân có vỏ nhiều lớp. Lá hẹp, dạng so le, thẳng. Chùm hoa màu trắng mịn, kiểu hoa đơn độc trong mỗi lá bẹ có nhiều hoa có gai). Đặc điểm cảm quan cho thấy lá có mùi đặc trưng và vị đắng. Đáng chú ý là khi nhìn thoáng qua chùm lá của Tràm Trà khá giống lá cây thông.

“Với những đặc tính chịu được phèn, cây không cao và có tán đẹp, vì vậy cây Tràm Trà rất thích hợp trồng ở những khoảng đất trống, ven đường, bờ đê, công viên, ven các khu, cụm-tuyến dân cư có rất nhiều ở vùng ĐTM. Đất ven đường, bờ đê và cụm –tuyến dân cư rất thích hợp để cây Tràm Trà phát triển vì đa số cao, ráo và đã có thời gian rỏ phèn nên cây Tràm Trà phát triển khá tốt”, ông Lưu cho biết thêm.

Cây Tràm Trà là một trong những nhóm cây ít bị sâu bệnh tấn công, cây có khả năng giữ đất, chống xói mòn, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, bảo vệ môi trường sống và không bị chốc gốc khi gặp giông bão.

Ngoài ra, khi trồng cây người nông dân có thể cắt tỉa cành, thu hoạch lá cung cấp cho những cơ sở chế biến tinh dầu, dược liệu.

Trạm TNLN Thạnh Hóa là nơi cung cấp giống để phát triển mạnh diện tích cây Tràm Trà trên địa bàn tỉnh Long An.

Ông Lưu chia sẻ thêm: “Cây trồng trong vườn nhà thành loại cây cảnh đẹp và là nguồn thuốc nam trị được nhiều bệnh thông thường. Cây phát triển tốt khi được lên líp cao, khoảng cách giữa các cây 4-6m là phù hợp nhất để cây quang hợp, phát triển. Giá thu mua trên thị trường hiện nay là khoảng 10 triệu đồng/ tấn lá. Cây trồng khoảng 3 năm, cao 1,5 m là có thể thu hoạch lá”.

Hiện Trung tâm TNLN tại xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đã ươm thành công cây Tràm Trà bằng biện pháp giâm cành. Trung tâm có khả năng cung cấp giống theo đơn đặt hàng cho cá nhân, tổ chức muốn phát triển cây Tràm Trà.

Ngoài ra, Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các địa phương khi phát động phong trào trồng cây nhớ Bác, góp phần thực hiện Đề án trồng hơn 01 triệu cây phân tán của UBND tỉnh Long An phát động nhằm chống xói mòn, sạt lở đất, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Long An trong năm 2022. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An có Đề án phát triển diện tích cây Tràm Trà trên vùng đất trống, chưa sử dụng của tỉnh.

Kỹ thuật lên líp, mật độ trồng, bón phân phù hợp cho cây Tràm Trà trên diện tích lớn (khoảng 01ha). Lên líp rộng 8m và cao 20 – 30 cm; mương 2m và sâu 0,7 m. Trồng với mật độ 1,5 x 0,6 m (11.100 cây/ha), bón lót 100g NPK/hố, bón thúc sau 6 tháng (1 kg phân gà + 150g NPK + 50g vôi bột)/cây là phù hợp nhất khi trồng trên đất nhiễm phèn.


An Cơ

link dẫn: https://nongnghiephuucovn.vn/phat-trien-cay-tram-tra-dem-lai-nhieu-loi-ich-cho-nguoi-nong-dan-va-hon-the-nua