Giống keo tai tượng nội chất lượng vượt trội hạt nhập khẩu

Ngày đăng: 16/11/2022 - 09:44 AM

Giống keo tai tượng nội chất lượng vượt trội hạt nhập khẩu

Theo kết quả hiện trường và mô hình trồng thử nghiệm, các giống keo tai tượng từ vườn giống Việt Nam được công nhận sinh trưởng tốt hơn nguồn giống nhập khẩu.

Trồng rừng gỗ lớn với giống keo lai mới

Tìm ra nguồn hạt giống keo tai tượng chất lượng thay thế hàng nhập khẩu

Trồng rừng thâm canh gỗ lớn cây keo tai tượng Úc

Chọn tạo giống keo tai tượng vượt trội

 

Vườn giống keo tai tượng của Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp tại huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Nguyên Huân.

Sinh trưởng tốt hơn hạt giống nhập khẩu

Theo GS.TS Lê Đình Khả, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng, Việt Nam có nhu cầu hạt giống keo tai tượng hàng năm rất lớn để có thể đáp ứng được mục tiêu trồng ít nhất 50.000ha rừng trồng mới mỗi năm, bởi loài cây có nguồn gốc từ vùng phía tây Papua New Guinea và phía bắc của bang Queensland, Australia này hiện là một trong những giống trồng rừng chủ lực.

Khoảng 20 năm trước, việc thu hái hạt giống tại những vùng hẻo lánh không quá khó khăn. Các nhóm chuyên gia, chủ yếu đến từ Australia đã lặn lội qua những chặng đường dài và vô cùng trắc trở tại khu vực Oriomo và Balimo, phía Tây Nam Papua New Guinea để thu lượng những hạt giống keo tai tượng tốt nhất.

Hạt giống của những vùng này cho năng suất cao nhất và đã được xác nhận bởi Bộ NN-PTNT thông qua đánh giá khảo nghiệm giống. Việt Nam đã nhập khẩu hạt giống keo tai tượng từ Trung tâm Hạt giống Australia (ATSC) để có thể đáp ứng được phần lớn nhu cầu hạt giống cho loài cây trồng rừng này.


TS. Chris Harwood, Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia cho biết, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Việt Nam vô cùng thuận lợi để phá triển các loại cây keo tốt nhất trên thế giới, trong đó có keo tai tượng. Ảnh: Linh Linh.

Tuy nhiên, TS. Chris Harwood, Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, việc thu lượm hạt giống keo tai tượng tại những khu vực này là điều không thể và nguồn tích trữ từ những đợt thu lượm từ các năm trước đó đã cạn kiệt, không đủ cung cho nhu cầu nhập khẩu của các nước. Do đó, Việt Nam phải tìm kiếm nguồn giống khác phục vụ trồng rừng.

Với tình hình ngày càng khan hiếm hạt giống nhập khẩu, Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cùng sự hỗ trợ của của các nhà khoa học Australia, đã cải thiện di truyền cho loài keo tai tượng và cho ra đời những hạt giống với nhiều đặc tính vượt trội.

Với kinh nghiệm 30 năm kinh nghiệm trong chọn tạo giống keo ở Việt Nam và cũng là người có công đưa giống keo từ Papua New Guinea về Việt Nam, TS. Chris Harwood chia sẻ, nguồn giống keo tai tượng phát triển tại Việt Nam có khả năng sinh trưởng nhanh hơn và cho ra cây lâm nghiệp tốt hơn nguồn từ Papua New Guinea.

“Ngay từ đầu, các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp đã được tiến hành với loại giống tốt nhất của Papua New Guinea. Qua các nghiên cứu khảo nghiệm, chúng tôi có thể thấy rằng, cây phát triển từ hạt giống của Việt nam có khả năng sinh trưởng nhanh hơn cây từ những hạt giống mà chúng tôi lặn lội đưa về từ vùng Papua New Guinea xa xôi”, TS. Chris Harwood  nhấn mạnh.


GS. Rod Griffin, Đại học Tasmania, Australia. Ảnh: Linh Linh.

Chia sẻ về những kết quả nghiên cứu cải thiện giống keo tại Việt Nam, GS. Rod Griffin, Đại học Tasmania, Australia cho biết, sự phối hợp lâu dài, hiệu quả giữa các nhà khoa học Việt Nam và Australia đã cho ra những loại giống keo chất lượng đang được người nông dân trồng.

Trong những năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng kiến sự phát triển trong nghiên cứu khảo nghiệm các giống keo tại Việt Nam và kết quả cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng của cây được trồng từ hạt giống do bên Viện Ngiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp cung ứng.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống keo có khả năng lớn nhanh, khỏe mạnh vào đời sống lâm nghiệp, các nhà khoa học Australia đề xuất các địa phương, doanh nghiệp và người trồng rừng hay sử dụng các loại giống keo tai tượng của Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp đã được Bộ NN-PTNT cấp phép.

“Tôi có thể nói rằng, các công nghệ chọn tạo giống keo của Việt Nam như giống đa bội, nuôi cấy mô để cho ra nguồn giống chất lượng là những công nghệ hiện đại nhất trong lâm nghiệp thế giới hiện nay. Các bạn là những người đi đầu trong công nghệ này với giống cây keo và chúng tôi vô cùng phấn khởi khi thấy các bạn ngày càng tiến bộ”, GS. Rod Griffin chia sẻ.

Tuy nhiên, GS. Rod Griffin cũng đề cập đến những thách thức đối với người trồng keo tại Việt Nam, trong đó có vấn đề đưa nguồn giống chất lượng này đến với toàn bộ người trồng keo thay vì chỉ vì một nhóm nhỏ như hiện nay và để tất cả người trồng rừng trở thành đối tượng được hưởng lợi từ những kết quả nghiên cứu lai tạo trên.

“Một nhiệm vụ quan trọng của Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp là lựa chọn những loại giống có tính chống chịu với bệnh dịch trong đó có bệnh chết héo. Các nhà khoa học lai tạo giống cần tìm loại giống tốt hơn nữa, có khả năng chống chịu với các rủi ro từ thời tiết, bệnh dịch”, GS. Rod Griffin đặt vấn đề.


TS. Nguyễn Đức Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp khẳng định, các giống keo tai tượng ở vườn giống Việt Nam được công nhận sinh trưởng tốt hơn nguồn giống nhập khẩu. Ảnh: Nguyên Huân.

Tiếp tục xây dựng vườn giống mới với công nghệ hiện đại

Chương trình cải thiện giống do Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ Sinh học Lâm nghiệp phố hợp với các nhà khoa học Australia thực hiện đã cho thấy, hạt giống từ vườn giống của Viện sinh trưởng vượt trội hơn so với xuất xứ nguyên sản Papua New Guinea, đặc biệt sinh trưởng về thể tích đã vượt 10% so với giống nguyên sản trong các khảo nghiệm so sánh đánh giá được thực hiện một cách nghiêm túc bài bản.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp cho biết, keo tai tượng là loài cây trồng rừng chính ở nước ta, chủ yếu trồng từ hạt với sản lượng lớn và diện tích rừng trồng hiện nay khoảng gần 1 triệu ha. Hàng năm, diện tích rừng trồng bằng keo tai tượng chiếm khoảng 30.000 - 40.000ha, lượng hạt giống để đáp ứng đủ nhu cầu trồng rừng từ 2.000 - 3.000kg.

Lãnh đạo Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp cũng cho biết, do ảnh hưởng của yếu tố chính trị, an ninh gây cản trở hoạt động thu hái hạt giống của Australia trong 10 năm trở lại đây, nguồn hạt nhập khẩu trong tương lai sẽ vô cùng khó khăn.

Và để thay thế nguồn hạt nhập khẩu này, Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp đã có 20 năm nghiên cứu chọn các giống tốt nhất từ Papua New Guinea để xây dựng các vườn giống với hệ thống vườn giống đa dạng.

Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp đồng thời cũng đang sở hữu hệ thống kho hạt để lưu giữ hạt giống và đội ngũ thu hái hạt giống đảm bảo theo đúng quy chuẩn quốc tế và được chuyển giao công nghệ của Trung tâm hạt giống Australia nên chất lượng hạt giồng tốt được đảm bảo.

Theo kết quả đánh giá ở các thí nghiệm hiện trường và mô hình trồng thử nghiệm, các giống keo tai tượng ở vườn giống Việt Nam được Bộ NN-PTNT công nhận sinh trưởng tốt hơn nguồn giống nhập khẩu từ Papua New Guinea.

Trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp sẽ tiếp tục xây dựng thêm các vườn giống mới để đáp ứng nhu cầu hạt giống cho sản xuất đồng thời sẵn sàng phối hợp với các địa phương để tạo thêm các vườn giống chất lượng cao để trồng rừng.

"Hiện nay, bệnh chết héo là bệnh vô cùng nguy hiểm đối với câu keo. Ở các nước trong khu vực như Indonesia hay Malaysia, hàng trăm nghìn ha rừng đã chết do bệnh này. Như vậy, việc lựa chọn giống chống chịu kháng bệnh này là yếu tố tiên quyết. Viện chủng tôi đã và đang nghiên cứu để chọn giống tốt nhất với khả năng kháng, chống chịu bệnh để phục vụ như cầu trồng rừng của người dân”, TS. Nguyễn Đức Kiên thông tin.

Nguyên Huân - Linh Linh

link dẫn: 

https://nongnghiep.vn/giong-keo-tai-tuong-noi-chat-luong-vuot-troi-hat-nhap-khau-d337073.html