CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VIỆN KHOA HỌC LÂM NGHIỆP NAM BỘ GIAI ĐOẠN 2017 - 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2030

Ngày đăng: 09/04/2021 - 09:46 AM

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VIỆN KHOA HỌC LÂM NGHIỆP NAM BỘ
GIAI ĐOẠN 2017 - 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2030

 

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ phát triển toàn diện theo định hướng phát triển của ngành Lâm nghiệp, từng bước hiện đại và tương xứng Viện nghiên cứu khoa học vùng; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học đạt trình độ cao với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, cung cấp cơ sở và các giải pháp khoa học nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững ngành Lâm nghiệp, chiến lược phát triển lâm nghiệp và chiến lược nghiên cứu lâm nghiệp góp phần phát triển bền vững lâm nghiệp vùng Nam Bộ.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2017-2020:

- Ổn định được cơ cấu tổ chức bộ máy và hoạt động của Viện đã được phê duyệt tại Quyết định số 3133/QĐ-BNN-TCCB ngày 13/8112012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT; đảm bảo triển khai các hoạt động của Viện theo mô hình Tổ chức KH&CN công lập tự chủ một phần chi thường xuyên theo Nghị định 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học có trình độ chuyên môn cao, có tâm huyết và gắn bó với nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ KHCN; đến năm 2020 toàn Viện có ít nhất 10 tiến sĩ.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và dịch vụ khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất; đến 2020, có ít nhất 3 sản phẩm khoa học được công nhận tiến bộ kỹ thuật và đơn vị đảm bảo tự chủ được ít nhất 30% kinh phí chi thường xuyên.

b) Giai đoạn 2021-2030:

- Kiện toàn và ổn định hệ thống tổ chức bộ máy và hoạt động được hoàn thiện; đảm bảo triển khai các hoạt động của Viện theo mô hình Tổ chức Khoa học Công nghệ công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên theo yêu cầu của Nghị định 16/2005/NĐ-CP và nghị định 54 NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ về thực hiện cơ chế tự chủ, đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập.

- Xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao, thông thạo ngoại ngữ, tâm huyết với nghề nghiệp, gắn bó lâu dài với Viện đáp ứng các nhiệm vụ được giao; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tâm, có tài và cán bộ khoa học đầu ngành theo các lĩnh vực chuyên sâu của Viện; đến năm 2030 ít nhất có 15 Tiến sĩ và cán bộ nghiên cứu có trình độ sau đại học đạt trên 70%, mỗi lĩnh vực đều có chuyên gia đầu ngành, trong đó có ít nhất 03 Phó giáo sư; xây dựng và phát triển các đơn vị trực thuộc theo hướng chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm và phải có công nghệ mũi nhọn đủ sức cạnh tranh trên thị trường ở vùng Nam Bộ.

- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao và tạo ra các sản phẩm khoa học có giá trị cao, tiếp thu có chọn lọc, làm chủ công nghệ tiên tiến trên thế giới; chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; liên doanh liên kết với doanh nghiệp triển khai dịch vụ sản xuất, đóng góp vào sự tăng trưởng, tái cơ cấu ngành và phát triển lâm nghiệp bền vững; đến năm 2030 sẽ công nhận được ít nhất 06 tiến bộ kỹ thuật và các giải pháp hữu ích sẽ được chuyển giao cho sản xuất.

            II. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VIỆN

1. Hoàn chỉnh tổ chức và hoạt động bộ máy

- Kiện toàn cơ cấu tổ chức của Viện và các đơn vị trực thuộc theo đề án đã được phê duyệt, đảm bảo tinh gọn và hoạt động hiệu quả. Thành lập bộ môn kinh tế lâm nghiệp, mở rộng hoạt động nghiên cứu ra vùng đất cát khô hạn ở Ninh Thuận, Bình Thuận và thành lập mới trạm thực nghiệm lâm nghiệp Biển Đông tại tỉnh Sóc Trăng.

- Tổ chức hợp lý các bộ phận nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và bộ phận dịch vụ sản xuất kinh doanh; xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa các Trung tâm trực thuộc nhằm gắn kết tạo sức mạnh chung trong toàn Viện.

- Xây dựng qui hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao của Viện theo hướng đồng bộ, cân đối về cơ cấu trên từng lĩnh vực, chuyên ngành và phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Viện và các trung tâm trực thuộc.

2. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ

2.1. Lĩnh vực giống và công nghệ sinh học

- Khảo nghiệm mở rộng các giống cây trồng chủ yếu trên các lập địa và vùng sinh thái khác nhau ở vùng Nam Bộ; đẩy mạnh thực hiện các dự án sản xuất thử nghiệm, dự án khuyến lâm và liên kết với các doanh nghiệm để nghiên cứu, chuyển giao các giống phù hợp cho từng lập đại như: đất ngập mặn, đất phèn, đất xám, đất đỏ baazan và đất cát khô hạn ven biển Nam Trung Bộ.

- Nghiên cứu chọn giống kháng bệnh, chịu hạn, chịu mặn; chọn giống các loài cây chủ yếu phục vụ trồng rừng kinh tế như: Tràm, Keo, Bạch đàn, Gáo trắng, Gáo vàng, Bời lời vàng, Sấu tía, Thanh thất, Chiêu liêu,... Nghiên cứu chọn giống các loài cây lâm sản ngoài gỗ như: Trôm, Tràm tinh dầu và một số loài cây dược liệu quý.

- Hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu chọn tạo giống bằng chỉ thị phân tử; nghiên cứu chuyển gen; lai giống; tạo giống đa bội cho nhóm loài cây như: Keo, Bạch đàn, Tràm, Đước,...

- Hoàn thiện kỹ thuật nhân giống, phục tráng giống; lưu trữ nguồn gen, hạt giống, giống gốc; thiết lập hệ thống rừng giống, vườn giống cho một số loài cây trồng rừng chủ yếu ở vùng Nam Bộ; chuyển giao giống gốc; đẩy mạnh công nghệ nhân giống mô -hom có chất lượng cao ở quy mô công nghiệp để thương mại hóa sản phẩm.

- Hoàn thiện quy trình nuôi cấy mô một số loài cây trồng rừng chủ yếu ở quy mô công nghiệp nhằm hạ giá thành sản phẩm và cung cấp cây giống chất lượng cao với số lượng lớn phục vụ trồng rừng.

- Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen các loài cây quý hiếm có giá trị kinh tế và khoa học cao ở vùng Nam Bộ.

2.2. Lĩnh vực lâm sinh

- Nghiên cứu kỹ thuật tổng hợp trong kinh doanh rừng trồng sản xuất cho các loài cây trồng rừng chủ lực ở vùng Nam Bộ nhằm cải thiện độ phì của đất và nâng cao năng suất rừng trồng qua các chu kỳ kinh doanh.

- Nghiên cứu kỹ thuật tối ưu về chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng cung cấp gỗ lớn cho các loài cây trồng rừng chủ lực.

- Nghiên cứu phục hồi rừng tự nhiên nghèo kiệt thông qua các biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và làm giàu rừng bằng các loài cây bản địa mọc nhanh và có giá trị cao.

- Nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực bảo vệ rừng và phòng chống sâu bệnh hại rừng trồng.

2.3. Lĩnh vực sinh thái môi trường rừng

- Nghiên cứu phân chia lập địa và lựa chọn tập đoàn cây trồng trên các dạng lập địa chính ở vùng Nam Bộ như ngập mặn, ngập phèn, khô hạn, đất đồi núi thấp vùng Đông Nam Bộ.

- Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật trồng rừng phòng hộ bảo vệ ven biển, chống sạt lở ven sông rạch, chống bồi lắng các lòng hồ, trồng rừng trên các dạng lập địa khó khăn ở vùng ven biển và các đảo ven bờ; nghiên cứu xây dựng hệ thống nông lâm kết hợp, trồng rừng phòng hộ ven biển và chống cát bay.

- Nghiên cứu đa dạng sinh học, động thái các hệ sinh thái rừng đặc trưng vùng Nam Bộ và chi trả dịch vụ môi trường rừng.

- Nghiên cứu quan trắc môi trường lâm nghiệp, đánh giá và dự báo môi trường lâm nghiệp ở vùng Nam Bộ.

2.4. Lĩnh vực lâm sản ngoài gỗ

     - Nghiên cứu chọn giống, bảo tồn và các loài cây lâm sản ngoài gỗ ở vùng Nam Bộ; ưu tiên nghiên cứu kỹ thuật gây trồng một số loài cây lâm sản ngoài gỗ lấy mủ, lấy tinh dầu, dược liệu, hóa mỹ phẩm và thực phẩm ở vùng Nam Bộ.

     - Nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu trong chế biến, bảo quản và thương mại hóa các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao.

2.5. Lĩnh vực kinh tế lâm nghiệp

     - Nghiên cứu đề xuất mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất kinh doanh gỗ và sản phẩm gỗ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ.

     - Nghiên cứu chính sách phát triển rừng trồng nguyên liệu cung cấp gỗ lớn; chính sách phát triển thị trường nội địa gỗ và sản phẩm gỗ.

    - Triển khai công tác định giá rừng và đề xuất chính sách trong cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp và chính sách huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước trong sản xuất kinh doanh lâm nghiệp.

- Nghiên cứu phát triển các mô hình lâm nghiệp xã hội và sinh kế bền vững.

       3. Ứng dụng và chuyển giao công nghệ

       - Tăng cường công tác chuyển giao giống tiến bộ kỹ thuật, giống mới các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong trồng rừng vào sản xuất.

       - Đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp và các tổ chức Quốc tế trong nghiên cứu và tiếp nhận kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

       - Thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn khuyến lâm để chuyển giao kỹ thuật và kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

      - Đẩy mạnh công tác truyền thông đăng tải các thông tin, tài liệu, kết quả nghiên cứu trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, intenet), xuất bản sách và đăng tải kết quả trên các tạp chí chuyên ngành.

4. Dịch vụ khoa học công nghệ và sản xuất kinh doanh

Phát triển các vườn giống, rừng giống sẵn có và xây dựng thêm các vườn giống mới, đẩy mạnh công tác công nhận giống để kinh doanh giống có chất lượng cao, nguồn giống được cải thiện nhằm góp phần nâng cao chất lượng rừng trồng cho vùng Nam Bộ.

Ứng dụng công nghệ sản xuất cây giống lâm nghiệp mô, hom ở quy mô công nghiệp để cung cấp nguồn giống tốt phục vụ nhu cầu thị trường và trồng rừng ở vùng Nam Bộ.

- Phát triển các mô hình rừng trồng thực nghiệm khoa học có năng suất cao tại các trạm thực nghiệm lâm nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tăng thu nhập cải thiện đời sống cán bộ viên chức.

- Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ khoa học công nghệ với các địa phương và doanh nghiệp ở vùng Nam Bộ; tăng cường công tác liên doanh, liên kết và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp vào sản xuất.

- Thương mại hóa các sản phẩm lâm nghiệp từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

       5. Hợp tác quốc tế

       - Duy trì và phát triển hợp tác với các tổ chức truyền thống đã có như JICA, CIFOR, ACIAR, SCIRO,...

       - Mở rộng hợp tác Quốc tế trong lĩnh vực tư vấn đánh giá cấp chứng chỉ rừng và quản lý rừng bền vững.

       - Mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ để nghiên cứu và huy động nguồn lực cho khoa học công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp ở vùng Nam Bộ.

         III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

         1. Đổi mới quản trị Viện

- Thực hiện đổi mới công tác nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo các nghiệm vụ KHCN phải có sản phẩm cụ thể hướng đến tiến bộ kỹ thuật, giống mới, quy trình công nghệ.

         - Tăng cường tìm kiếm và thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở, cấp tỉnh; tạo cơ chế tài chính thuận lợi và chủ động bằng việc tăng cường hình thức khoán để nâng cao hiệu quả công việc và tăng thu nhập cho cán bộ viên chức.

          - Tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, điều hành của Viện, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng uỷ, phối hợp chặt chẽ với tổ chức đoàn thể trong đơn vị trong việc chỉ đạo điều hành các Trung tâm trực thuộc.

          - Tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong vùng, đặc biệt là các đơn vị trên địa bàn về dịch vụ khoa học công nghệ.

         - Thúc đẩy các hoạt động công nhận, chuyển giao và quảng bá các tiến bộ kỹ thuật và kết quả nghiên cứu của Viện; đồng thời tăng cường chỉ đạo sự phối hợp với các đơn vị trực thuộc đề nghiên cứu và ứng dụng chuyển giao KHCN vào sản xuất.

          - Xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp.

2. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và đào tạo cán bộ

       - Hoàn thiện tổ chức và bộ máy hoạt động của Viện và 3 trung tâm trực thuộc.

      - Đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nguồn nhân lực bằng việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ theo hướng chuyên sâu và cân đối trên các lĩnh vực chuyên ngành; chú trọng đào tạo và bồi dưỡng những cán bộ có tiềm năng trở thành những nhà khoa học chủ chốt; có chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài làm việc tại Viện; sắp xếp tinh giảm bộ máy, gọn nhẹ, hiệu quả đáp ứng với giai đoạn mới.

Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quản lý Nhà nước, Cao cấp, Trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ khoa học, cán bộ quản lý có năng lực, trình độ đảm nhận công tác nghiên cứu; chú trọng đến đào tạo cán bộ nghiên cứu chuyên sâu theo các lĩnh vực giống, lâm sinh, sinh thái môi trường và kinh tế lâm nghiệp.

- Thành lập Bộ môn kinh tế lâm nghiệp, mở rộng quỹ đất phục vụ cho nghiên cứu như: thành lập trạm thực nghiệm lâm nghiệp Biển Đông, xin tiếp nhận lại trạm Thiện Nghiệp từ Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ & Tây Nguyên.

3. Đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ

      - Quán triệt và chỉ đạo thực hiện chỉ thị số 297/CT-BNN-KHCN ngày 13/01/2015 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc đổi mới toàn diện các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và khuyến nông; thông tư 18/2015/TT-BNNPTNT ngày 24/4/2015 về Quy định quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ của Bộ NN&PTNT tới từng đơn vị và cán bộ viên chức.

       - Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, đẩy mạnh công nhận giống, các tiến bộ kỹ thuật; tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị nghiên cứu với cơ quan khuyến lâm và các địa phương vùng Nam Bộ để chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào sản xuất. 

       - Đẩy mạnh hợp tác, liên doanh, liên kết với các địa phương vùng Nam Bộ, các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp trong và ngoài nước để triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ lâm nghiệp.

       - Thực hiện tăng thu và tiết kiệm chi tạo nguồn vốn bổ sung cho hoạt động thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng (thông tư 121).

       - Chủ động đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ, chiến lược, định hướng của Bộ, Đề án tái cơ cấu ngành, đặc thù của vùng và thực tế sản xuất.

        Tích cực đề xuất đấu thầu các đề tài dự án; mỗi năm phấn đấu thực hiện từ 4 - 5 nhiệm vụ KHCN cấp Bộ và cấp Nhà nước; từ 8 - 10 nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở.

       - Phát huy sức mạnh của từng đơn vị, tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc Viện để tạo ra công nghệ đồng bộ có giá trị thực tiễn cao.

       - Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông bằng việc thường xuyên đăng tải thông tin kết quả các hoạt động của Viện qua trang Website, tạp chí, báo viết và báo hình, tăng cường quảng bá các kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất thông qua các Hội chợ triển lãm, hội nghị khoa học, các diễn đàn trong lĩnh vực nông nghiệp ở vùng Nam Bộ; xây dựng thư viện điện tử để kết nối và lưu trữ các sản phẩm khoa học công nghệ của Viện; duy trì văn thư điện tử và chế độ họp trực tuyến để xử lý nhanh công việc và giảm chi phí hoạt động chi thường xuyên.

4. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật

       - Đầu tư xây dựng cơ sơ vật chất kỹ thuật và tăng cường trang thiết bị phục vụ nghiên cứu như phòng thí nghiệm, trụ sở văn phòng Viện, phương tiện, thiết bị máy móc,… bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, từ hợp tác liên doanh liên kết và từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Viện và các Trung tâm trực thuộc.

       - Qui hoạch và xây dựng lại trụ sở làm việc và phòng thí nghiệm của Viện; đầu tư các công trình nâng cấp, sửa chữa các Trung tâm và các trạm thực nghiệm lâm nghiệp; mở rộng thêm quỹ đất phục vụ nghiên cứu, thực nghiệm ở các vùng sinh thái ở vùng Nam Bộ.

- Tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các diện tích đất do Viện và các Trung tâm trực thuộc đang quản lý và triển khai các hiện trường nghiên cứu thực nghiệm đúng theo quy hoạch sử dụng đất đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt.

   5. Triển khai tự chủ tài chính

       - Tiếp nhận tài sản của Nhà nước giao như: trụ sở, đất đai, máy móc thiết bị, phương tiện và đưa vào quản lý, sử dụng có hiệu quả.

       - Hạch toán giá dịch vụ theo phương châm tính đúng, tính đủ và tăng cường cơ chế khoán gọn đến sản phẩm cuối cùng.

       - Đẩy mạnh phát triển dịch vụ khoa học công nghệ và sản xuất thực nghiệm để tăng nguồn thu.

       - Xây dựng cơ chế thúc đẩy hợp tác liên doanh liên kết, dịch vụ chuyển giao, hợp tác với các doanh nghiệp, quy chế huy động, khai thác nguồn vốn đặc biệt là các nguồn vốn hợp tác quốc tế, dịch vụ khoa học công nghệ chuyển giao, dịch vụ cấp chứng chỉ rừng...; đổi mới nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn và tài sản để tăng nguồn lực tài chính tạo điều kiện cho triển khai ứng dụng các sản phẩm khoa học và công nghệ của Viện.

       - Xây dựng cơ chế tạo sự chủ động về tài chính cho các đơn vị theo hướng đầu tư lâu dài và bền vững cho phát triển khoa học và công nghệ. Cơ chế khuyến khích cho cán bộ tạo ra công nghệ; rà soát, điều chỉnh Quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài chính của Viện cho phù hợp với tình hình mới.

- Hàng năm rà soát, bổ sung, điều chỉnh Quy chế chi tiêu nội bộ và Quy chế quản lý tài chính của Viện để phù hợp với tình hình thay đổi cơ chế, chính sách của Nhà nước.

            6. Tăng cường hợp tác quốc tế

       - Duy trì và phát triển hợp tác với các đối tác hiện có và tích cực tìm kiếm các đối tác mới; tham gia đấu thầu thực hiện các dự án quốc tế ở vùng Nam Bộ; tăng cường xuất bản sách báo, đăng tải kết quả nghiên cứu bằng Tiếng anh và tham gia các hội thảo Quốc tế.

       - Liên kết với các trường đại học, các tổ chức Quốc tế để đào tạo và tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Viện và cho ngành.

 

Quyết định số 1013/QĐ-KHLN-KH ngày 30/12/2016 của Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam về việc "Phê duyệt chiến lược phát triển Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến 2030"

 

Download: , , ,

VIDEO CLIPS

Hoạt động của viện

Liên kết

email

Thống kê truy cập

Đang online: 10

Truy cập ngày: 17598

Tổng truy cập: 280279