KIỂM TRA TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI ĐỀ TÀI CẤP TỈNH: “XÂY DỰNG MÔ HÌNH KINH DOANH RỪNG TRỒNG KEO, BẠCH ĐÀN ỨNG DỤNG TIẾN BỘ VỀ GIỐNG, LÂM SINH HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO TẠI LONG AN

Ngày đăng: 18/08/2023 - 09:36 AM

KIỂM TRA TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI ĐỀ TÀI CẤP TỈNH: “XÂY DỰNG MÔ HÌNH KINH DOANH RỪNG TRỒNG KEO, BẠCH ĐÀN ỨNG DỤNG TIẾN BỘ VỀ GIỐNG, LÂM SINH HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO TẠI LONG AN”

10/08/2023

Ngày 9/8/2023, tại xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An đã tổ chức kiểm tra định kỳ năm 2023 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đối với đề tài: “Xây dựng mô hình kinh doanh rừng trồng keo, bạch đàn ứng dụng tiến bộ về giống, lâm sinh hiệu quả kinh tế cao tại Long An” do Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ là đơn vị chủ trì.

Tham gia Đoàn kiểm tra có Ông Nguyễn Minh Hải – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Trưởng đoàn, cùng các cán bộ chuyên môn thuộc Phòng Quản lý khoa học và Văn phòng sở. Về phía đơn vị chủ trì có TS. Trần Thanh Cao – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ; TS. Phùng Văn Khang - chủ nhiệm nhiệm vụ và các thành viên tham gia thực hiện đề tài. Về phía đơn vị phối hợp có ThS. Trần Tín Hậu, Công ty TNHH Vina Eco Board. Nội dung kiểm tra là tiến độ triển khai mô hình trồng và kinh doanh rừng trồng keo, bạch đàn tại các điểm thử nghiệm.

                                  

                                                                                 Quang cảnh buổi kiểm tra thực tế

                                  

                                                                                  Khu rừng thử nghiệm trồng keo

TS. Phùng Văn Khang - Chủ nhiệm nhiệm vụ báo cáo tiến độ triển khai đề tài từ 10/2021 – 08/2023 trong tổng thời gian thực hiện 30 tháng. Nhóm nghiên cứu đã hoàn thành 2/6 nội dung, đang triển khai 2/6 nội dung và chưa triển khai 2/6 nội dung. Tổng kinh phí thực hiện là 1.607.501.000 đồng (kinh phí sự nghiệp khoa học là 457.500.000 đồng, kinh phí đối ứng 1.150.001.000 đồng), kinh phí khoa học đã cấp 350.027.809 đồng. Tiến độ thực hiện nội dung và kinh phí cơ bản đạt yêu cầu. Chủ nhiệm nhiệm vụ cũng báo cáo những khó khăn trong quá trình thực hiện, tình hình chọn giống và trồng rừng, cơ chế tài chính ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành đi thực tế các điểm trồng rừng keo, bạch đàn thử nghiệm thuộc phạm vi của đề tài. Kết quả sơ bộ được đánh giá tốt về các giống keo, bạch đàn đạt yêu cầu mà địa phương đã đặt ra và đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ nhân rộng các mô hình đã nghiên cứu thành công để sản phẩm đạt chất lượng và năng suất như kỳ vọng.

                               

                                        Đại diện lãnh đạo đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài tại khu vực trình diễn trồng keo

                                

                                                       Đoàn kiểm tra và đơn vị chủ trì xem mô hình thí nghiệm chọn giống

Đoàn kiểm tra đã có ý kiến đóng góp, gợi ý phương án giải quyết cho các nội dung và kinh phí của đề tài: Tiến độ triển khai đề tài bám sát kế hoạch; Hoàn chỉnh lại Báo cáo định kỳ tình hình thực hiện nhiệm vụ và sản phẩm KH&CN với đầy đủ các hạng mục công việc; Xúc tiến những công việc có khả năng thực hiện và quyết toán trong 6 tháng đầu năm 2023; Có đánh giá về năng suất, hiệu quả của đề tài để có hướng cung cấp giống và kỹ thuật cho các hộ dân trồng rừng huyện Thạnh Hóa, Thủ Thừa và Đức Huệ đưa vào sản xuất và nghiệm thu đúng hạn.

                                 

                                                     Đoàn kiểm tra và đơn vị chủ trì xem mô hình thí nghiệm tỉa cành

                                 

                                                                          TS. Phùng Văn Khang - Chủ nhiệm đề tài

                                

                                                                                       Rừng keo trồng 3 năm tuổi

Thời gian tới từ nay đến cuối năm 2023, Ban chủ nhiệm đề tài cần cố gắng thực hiện các công việc: Xây dựng quy trình trồng và chăm sóc rừng trồng keo, bạch đàn; Xây dựng chuổi liên kết sản xuất và tiêu thụ gỗ keo, bạch đàn; Tổ chức tập huấn về quy trình cho các hộ dân liên kết sản xuất.

Theo kết luận trên, TS. Phùng Văn Khang thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu và hoàn chỉnh lại các báo cáo chuyên đề và bản thiết kế phù hợp với tình hình khảo sát thực tế địa phương. Kiến nghị Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ nhóm nghiên cứu thực hiện các thủ tục theo quy định.

Sản phẩm của đề tài nếu thành công sẽ góp phần giải quyết khâu cung cấp giống keo và bạch đàn, cũng như các quy trình trồng và chăm sóc rừng để liên kết tiêu thụ gỗ theo hướng bền vững và cùng có lợi đối với các đơn vị doanh nghiệp và hộ dân tại địa phương./.  

 

                                                                                                                                                      Huỳnh Trung Hòa

                                                                                                                                            PHÒNG QUẢN LÝ KHOA HỌC

Link dẫn https://skhcn.longan.gov.vn/Lists/DuLieuKHCN/DispForm.aspx?ID=229&CategoryId=%C4%90%E1%BB%81%20t%C3%A0i%20d%E1%BB%B1%20%C3%A1n%20KHCN&InitialTabId=Ribbon.Read

VIDEO CLIPS

Hoạt động của viện

Liên kết

email

Thống kê truy cập

Đang online: 9

Truy cập ngày: 18901

Tổng truy cập: 281582