Thành tựu đạt được của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ

Ngày đăng: 09/04/2021 - 09:17 AM

NHỮNG THÀNH TỰU ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC TRONG THỜI GIAN QUA
CỦA VIỆN KHOA HỌC LÂM NGHIỆP NAM BỘ

 

Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ triển khai các hoạt động nghiên cứu lâm nghiệp bao gồm hầu hết các lĩnh vực chủ yếu như: Giống, Kỹ thuật lâm sinh, Sinh thái môi trường và Kinh tế lâm nghiệp. Đặc biệt từ năm 2012, sau khi Viện được nâng cấp thì hoạt động KHCN liên tục được đổi mới, luôn bám sát chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đề án tái cơ cấu ngành, các chương trình trọng điểm của Bộ và nhu cầu thực tiễn. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp các cơ sở khoa học, trong đó tập trung vào nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật về trồng rừng và phục hồi rừng tự nhiên, các chính sách quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ môi trường rừng, ... Các giống tiến bộ kỹ thuật, các quy trình công nghệ được hoàn thiện và chuyển giao vào sản xuất, góp phần phát triển ngành lâm nghiệp ở vùng Nam Bộ nói riêng và kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

Trong giai đoạn này Viện đã và đang thực hiện 02 dự án hợp tác Quốc tế, 02 dự án Giống cây lâm nghiệp, 10 nhiệm vụ cấp Nhà nước/cấp Bộ, 16 nhiệm vụ cấp cơ sở, cấp tỉnh, trong đó có nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn sản xuất.

Hàng năm, số lượng hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ của toàn Viện có xu hướng tăng cả về số lượng và quy mô, tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình đạt từ 8 -15% về kinh phí tùy theo năm. Mặc dù những năm gần đây do chính sách tiết kiệm chi tiêu của Chính phủ nên nguồn kinh phí hoạt động của Viện cũng đã bị giảm đi đáng kể, song Viện đã có những điều chỉnh kịp thời, tìm kiếm các nguồn tài trợ khác, tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh dịch vụ khoa học công nghệ nên vẫn duy trì ổn định các hoạt động nghiên cứu và đảm bảo đời sống cho cán bộ, viên chức. Đây là bước đi tích cực, đúng hướng theo tinh thần của Nghị định 16/2005/NĐ-CP và nghị định 54 NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ về thực hiện cơ chế tự chủ, đổi mới hoạt động của Viện và các Trung tâm trực thuộc.

Những kết quả nổi bật về nghiên cứu, chuyển giao KHCN của Viện trong thời gian qua có thể tóm tắt những nét chính theo các lĩnh vực sau:

  1. Lĩnh vực chọn tạo giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp

Lĩnh vực giống và công nghệ sinh học được Viện định hướng là lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu và phát triển, những thành tựu nổi bật trong những năm qua về lĩnh vực này như sau:

Đến nay, Viện đã là tác giả và đồng tác giả của 08 giống Keo lá tràm; 09 giống Keo lai tự nhiên; 02 giống Keo tai tượng; 11 giống Bạch đàn; 03 giống Tràm ta và 06 giống Tràm Úc đã được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật, trong đó có 4 giống đã được công nhận là giống quốc gia là AA1, AA9, AH1, AH7 đã được chuyển giao ra sản xuất phục vụ trồng rừng kinh tế cho năng suất rừng trồng đạt trên 25m3/ha/năm

Đã cải tiến công nghệ được giâm hom ngoài trời là bước đột phá cho sản xuất đại trà cây hom Keo lai phục vụ trồng rừng kinh tế, khắc phục những hạn chế công nghệ giâm hom cũ trong nhà; giảm giá thành sản phẩm; sản xuất cây giống trên diện rộng, qui mô lớn đáp ứng nhu cầu cây giống cho trồng rừng đại trà và đã chuyển giao kỹ thuật cho nhiều đơn vị, công ty, doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia phát triển nhân giống bằng công nghệ cải tiến này mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đã ứng dụng công nghệ sinh học để nhân giống vô tính các loài Thông, Keo, Bạch đàn, Gáo phục vụ trồng thí nghiệm, trồng rừng rừng kinh tế và sản xuất cung cấp một số loài cây Lâm sản ngoài gỗ như: Vàng đắng, Lan kim tuyến, Anh Thảo, Hoắc Hương, Tràm trà, …

Bước đầu đã nghiên cứu, đánh giá đa dạng di truyền và ứng dụng chọn giống bằng chỉ thị phân tử cho loài Keo lá tràm, Dầu rái, Sao đen và nghiên cứu chuyển kháng sâu cho Thông nhựa và nghiên cứu chọn dòng cho một số loài cây bản địa mọc nhanh như Gáo trắng, Gáo Vàng, ... theo hướng phát triển trồng rừng rừng gỗ lớn.

Hiện nay, Viện đã và đang thực hiện 02 dự án giống cây lâm nghiệp gồm: Dự án "Phát triển giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng trên đất cát ven biển, đất phèn, đất ngập mặn giai đoạn 2011-2020” và Dự án “Phát triển giống phục vụ trồng rừng tại các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ giai đoạn 2013 – 2020”. Đến nay, dự án đã thiết lập được hệ thống rừng giống; vườn giống thế hệ 1, thế hệ 2, vườn giống Quốc gia; vườn cây đầu dòng với tổng diện tích hơn 100 ha cho các loài cây trồng rừng chủ lực như: Các loài Keo, Bạch đàn, Tràm, Đước, Vẹt, Tếch, Dầu Rái, Sao đen và hàng năm cung cấp hàng trăm kg hạt giống và gần 3 triệu cây giống đáp ứng nhu cầu trồng rừng trong vùng.

  1. Lĩnh vực lâm sinh

            Lâm sinh là một trong các lĩnh vực nghiên cứu quan trọng của Viện nhằm xác định được các biện pháp kỹ thuật kinh doanh rừng trồng, rừng tự nhiên đạt năng suất cao và bền vững. Kết quả nổi bật về lĩnh vực này như sau:

Đối với việc phát triển và quản lý bền vững rừng trồng kinh tế

       Các giải pháp kỹ thuật trong kinh doanh trồng rừng gỗ lớn, tuy mới chỉ được nghiên cứu trên phạm vị hẹp (cả về dạng lập địa và vùng sinh thái) nhưng cũng đã minh chứng khả năng áp dụng cao, giúp tăng năng suất rừng, tăng lượng gỗ xẻ và tăng dinh dưỡng đất rất rõ rệt so với biện pháp lâm sinh truyền thống, cụ thể là:

+ Quy trình trồng rừng gỗ lớn và quản lý lập địa bền vững trong kinh doanh rừng trồng Keo và Bạch đàn: So với phương pháp truyền thống, việc giữ lại vật liệu hữu cơ sau khai thác (không đốt) đã tăng năng suất rừng thêm từ 2,53-6,46 m3/ha/năm; Bón phân (lượng bón theo đúng liều lượng thiếu hụt của đất và cây) cho năng suất rừng tăng từ 2,0-8,0 m3/ha/năm; Quản lý thực bì cạnh tranh cho năng suất rừng vượt 1,6-4,7 m3/ha/năm. Bên cạnh đó, độ phì đất cũng đã tăng 3 - 11 % về chất hữu cơ, đạm tổng số và lân dễ tiêu. Biện pháp tỉa thưa cũng đã tăng về sinh trưởng đường kính của rừng lên 6-17%. Biện pháp tỉa cành đã làm giảm khuyết tật gỗ rất đáng kể. Áp dụng kỹ thuật mới hiệu quả kinh tế trong kinh doanh rừng trồng tăng 17,5-52,5%. Quy trình đã được Bộ NN&PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật.

+ Kỹ thuật lâm sinh tối ưu trong rừng Keo cung cấp gỗ xẻ thông qua các biện pháp kỹ thuật như: chọn và đánh giá lập địa, bón phân, tỉa đơn thân, tỉa cành, tỉa thưa và chăm sóc rừng để từng bước chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng cung cấp gỗ lớn có năng suất cao và chất lượng gỗ xẻ tốt.

+ Kỹ thuật trồng rừng Keo trên đất phèn đã giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng rừng ở Tây Nam Bộ đã phá thế độc canh cây Tràm. Việc lên líp và biện pháp thâm canh trồng rừng đã cho năng suất rừng đạt từ 30 - 44 m3/ha/năm và giảm chu kỳ kinh doanh rừng từ 3 - 4 năm so với trồng tràm. Hiệu quả kinh tế của một chu kỳ trồng Keo lai đã tăng gấp 2 lần so với trồng tràm.

+ Đã nghiên cứu kỹ thuật trồng rừng một số loài cây bản địa mọc nhanh cung cấp gỗ lớn ở vùng Nam Bộ có triển vọng cao như: Thanh thất, Chiêu liêu, Bời lời, Sấu tía, Lò bo, Xoan mộc, Gáo trắng, Gáo vàng, ... góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

+ Trong những năm qua Viện khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ đã phối hợp với các chuyên gia đầu ngành, Trung tâm nghiên cứu bảo vệ rừng, Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam điều tra, xác định loài nấm bệnh gây hại Keo và Bạch đàn. Đã nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật hạn chế mầm bệnh xâm nhiễm, chọn ra các giống Keo, Bạch đàn chống chịu bệnh có năng suất cao đáp ứng yêu cầu cho trồng rừng trong khu vực

Đối với nghiên cứu về rừng tự nhiên và công tác bảo tồn nguồn gen

           Đã xây dựng được các giải pháp kỹ thuật lâm sinh trong làm giàu rừng tự nhiên nghèo kiệt theo băng, theo rạch, theo đám bằng việc sử dụng 13 loài cây bản địa mọc nhanh rất thành công ở vùng Đông Nam Bộ. Trong 13 loài cây làm giàu rừng cho thấy 4 loài cây có triển vọng tốt trong là: Lim xanh, Chiêu Liêu, Xà cừ và Nhạc ngựa.

           Đã nghiên cứu phát triển trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng tự nhiên, đánh giá và bảo tồn, sử dụng bền vững tiềm năng cây thuốc ở trong rừng tự nhiên ở một số Vườn Quốc gia vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã góp phần đem lại hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Đối với bảo tồn nguồn gen thực vật rừng được Viện đã quan tâm trọng tâm nghiên cứu để phục vụ cho công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học, đào tạo và thăm quan học tập. Viện hiện có 01 vườn thực vật Trảng Bom xây dựng từ năm 1905 bởi nhà thực vật Paul Maurand người Pháp, hiện nay có 279 loài, thuộc 67 họ là nơi lưu giữ bảo tồn nhiều nguồn gen quý hiếm có trong sách đỏ và IUCN. Bên cạnh đó, từ năm 2002 Viện đã xây dựng được 01 vườn sưu tập thực vật ở Trạm TNLN Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương với qui mô 02 ha gồm 153 loài, thuộc 52 họ. Ngoài ra, còn có 02 vườn sưu tập thực vật thân gỗ trên vùng đất phèn (06 ha) và 01 vườn sưu tập thực vật trên vùng đất ngập mặn (01 ha) ở đồng bằng sông Cửu Long được thiết lập năm 1995 và 2003 tại tỉnh Long An và Cà Mau

  1. Lĩnh vực sinh thái và môi trường rừng

          Đã nghiên cứu và xây dựng được giải pháp phục hồi rừng tràm sau cháy tại Cà Mau, giải pháp chống suy thoái rừng ngập mặn Cần Giờ ở thành phố Hồ Chí Minh.

          Xây dựng được các hướng dẫn kỹ thuật về trồng rừng trên các dạng lập địa khó khăn ở các đảo ven bờ, kỹ thuật trồng cây chống sạt lở ven sông rạch, kỹ thuật trồng rừng trên các lòng hồ bán ngập nhằm chống sạt lở và giảm bồi lắng lòng hồ

          Xây dựng được kỹ thuật trồng rừng phòng hộ cho một số loài cây trên vùng đất cát khô hạn và trồng rừng chống cát bay ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ như Keo chịu hạn, Xoan chịu hạn, Trôm, ...

          Đánh giá tác động môi trường rừng; quan trắc môi trường rừng và đất rừng; đánh giá dịch vụ môi trường rừng, giá trị lưu trữ và hấp thụ các bon của rừng trồng, cũng đã được Viện trực tiếp hoặc hộo tác thực hiện trong các đề tài/dự án có liên quan.

  1. Lĩnh vực kinh tế lâm nghiệp

          Viện đã tư vấn đánh giá chính sách giao đất giao rừng, đánh giá một số dự án lâm nghiệp, sắp xếp tổ chức một số lâm trường quốc doanh, cổ phần hóa một số công ty lâm nghiệp và xây dựng các luận cứ nhằm đề xuất các chính sách đầu tư, chính sách hưởng lợi phù hợp cho các loại rừng kinh tế, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

          Đánh giá thực trạng rừng tràm ở đồng bằng sông Cửu Long đề ra các giải pháp khắc phục.

          Đánh giá ngành hàng gỗ rừng trồng và thị trường lâm sản ở Việt Nam, nhằm đề xuất định hướng chính sách khuyến khích phát triển trồng rừng kinh tế.

          Xây dựng được các mô hình nông - lâm - ngư cho vùng đất phèn ở đồng bằng sông Cửu Long và vùng duyên hải Nam Trung Bộ mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

  1. Công tác sản xuất, dịch vụ và chuyển giao công nghệ

Các đơn vị trong toàn Viện đã tích cực chủ động tìm kiếm và triển khai dịch vụ, tư vấn và sản xuất kinh doanh. Trong 5 năm gần đây Viện đã và đang thực hiện hơn 60 hợp đồng tư vấn dịch vụ với tổng doanh thu hơn 15 tỷ đồng đã góp phần tạo nguồn thu cho các đơn vị và đóng góp một phần cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh các hợp đồng tư vấn, dịch vụ Viện cũng đã thực hiện hoạt động cung cấp cây giống lâm nghiệp, trổng rừng, tỉa thưa, khai thác rừng bằng vốn tự có của các đơn vị; hoạt động dịch vụ giám định thực vật; phân tích đánh giá đất và các chỉ số môi trường rừng.

Hoạt động chuyển giao công nghệ đã được thực hiện đều khắp các lĩnh vực trọng tâm của Viện như: Chuyển giao các giống; kỹ thuật nhân giống các loài keo, bạch đàn; xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật và chuyển giao kỹ thuật gây trồng rừng cho một số loài cây bản địa và các quy trình lâm sinh.

Trong 5 năm gần đây Viện đã tổ chức 05 hội nghị khuyến lâm để chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất với hơn 200 lượt người tham dự; thông qua các đề tài, dự án Viện đã tổ chức được 12 lớp tập huấn chuyên đề về giống, kỹ thuật trồng rừng, trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng với hơn 300 lượt người tham dự.

  1. Thành tựu trong lĩnh vực đào tạo và hợp tác Quốc tế

Trong 05 năm vừa qua, Viện đã có 04 tiến sỹ tốt nghiệp ở trong và ngoài nước nâng tổng số tiến sỹ của viện lên 6 người. Hiện nay, Viện đang có 09 cán bộ đang học nghiên cứu sinh và trong 03 năm tiếp theo có thể nâng số Tiến sỹ của Viện lên 11 người. Trong những năm qua Viện đã hợp tác với trường Đại học Nông Lâm, TP. Hồ Chí Minh; Phân hiệu trường Đại học Lâm nghiệp và một số trường Đại học khác trong vùng tham gia đào tạo Tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư/cử nhân và hướng dẫn nhiều sinh viên thực tập tốt nghiệp góp phần tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho ngành.

Hợp tác quốc tế của Viện vẫn được duy trì đẩy mạnh, góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ và chuyển giao công nghệ. Giai đoạn từ 2000 đến nay, Viện đã và đang hợp tác nghiên cứu với một số tổ chức quốc tế như: CIFOR, JICA, JOFCA, ACIAR, CSIRO, GIZ, MASTER FOOD, SOMITOMO FORESTRY, IUCN, ... Kết quả hợp tác quốc tế nổi bật như: Dự án JICA ‘‘Phát triển kỹ thuật trồng rừng trên đất phèn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long“; Dự án CIFOR ‘‘Quản lý lập địa và năng suất rừng trồng Keo lá tràm“; Dự án ACIAR ‘‘Tối ưu kỹ thuật lâm sinh trong trồng rừng keo cung cấp gỗ xẻ có chất lượng cao“, ... Thông qua hợp tác quốc tế, Viện đã có nhiều cán bộ cử đi đào tạo ngắn hạn, Thạc sĩ và Tiến sỹ được đi đào tạo ở nước ngoài đã góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu cho Viện.

  1.  Thành tựu trong lĩnh vực thông tin tư liệu

Công tác thông tin tư liệu của Viện cũng được quan tâm và đẩy mạnh. Viện hiện có 02 Website đang hoạt động để giới thiệu và quảng bá về Viện. Trong giai đoạn từ 2010 – 2016 Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ đã có 3 công trình đăng trên tạp chí Quốc tế, xuất bản 4 cuốn sách chuyên ngành, đăng tải hơn 40 bài báo đăng trên tạp chí trong nước và 7 bài đăng tại các kỷ yếu hội nghị trong nước và quốc tế. Đây cũng là thành tựu rất lớn của Viện để quảng bá, thông tin tư liệu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

 

Thành tựu nổi bật

- Tác giả và đồng tác giả của 67 giống mới được công nhận là giống Tiến bộ kỹ thuật và giống Quốc gia;

- Hệ thống rừng giống, vườn giống, vườn cây đầu dòng với tổng diện tích hơn 230 ha cho các loài cây trồng rừng chính, loài cây chủ lực, chủ yếu ở vùng Nam Bộ và Nam Trung Bộ;

- Quy trình tiến bộ kỹ thuật mới về “Quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác và sử dụng phân lân trong trồng rừng Keo ở Đông Nam Bộ và Trung Bộ”, được Bộ NN&PTNT công nhận năm 2015;

- Bằng khen của Bộ trưởng năm 2015 về hoàn thành tốt kế hoạch bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2011-2015 gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

- Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam năm 2018 cho Tiến bộ kỹ thuật mới Quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác và sử dụng phân lân trong trồng rừng Keo ở Đông Nam Bộ và Trung Bộ.

- Bằng khen của Bộ trưởng năm 2019 về có thành tích xuất sắc trong phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới.

- Bằng Khen củ Thủ tướng Chính phủ năm 2020 tại Quyết định số 1994/QĐ-TTg, ngày 07/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ

Số 01 Phạm Văn Hai, Phường 1, Q. Tân Bình, Tp.HCM

 

VIDEO CLIPS

Hoạt động của viện

Liên kết

email

Thống kê truy cập

Đang online: 17

Truy cập ngày: 18601

Tổng truy cập: 261122