NHÌN LẠI KẾT QUẢ SAU HƠN 20 NĂM HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP Ở VÙNG NAM BỘ

Ngày đăng: 12/07/2021 - 11:58 AM

NHÌN LẠI KẾT QUẢ SAU HƠN 20 NĂM HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP Ở VÙNG NAM BỘ

Vùng sinh thái Lâm nghiệp ở Nam Bộ có bốn tiểu vùng đặc thù là rừng trên đất ngập mặn ven biển, đất phèn, đất cát khô hạn và đất trên đồi núi thấp. Trong giai đoạn từ 1997 đến nay được sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự chỉ đạo trực tiếp của cơ quan chủ quản là Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Viện khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ đã triển khai nhiều dự án hợp tác nghiên cứu với các tổ chức Quốc tế có uy tín như: JICA, CIFOR, ACIAR, SCIRO, MASTER FOOD, IUCN, GIZ, DANIDA, SUMITOMO, … Các dự án đã hợp tác trong nghiên cứu về giống, kỹ thuật lâm sinh, quản lý rừng bền vững, sinh thái môi trường và kinh tế - xã hội lâm nghiệp. Kết quả của các dự án đã góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp ở các tỉnh phía Nam, nơi có ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu phát triển rất mạnh và chiếm đến 80% giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ xuất khẩu của cả nước với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 8,7 tỷ USD (6 tháng đầu năm 2021), Dự kiến hết năm 2021 giá trị xuất khẩu lâm sản sẽ đạt trên 15,5 tỷ USD

Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam năm 2018 cho "Tiến bộ kỹ thuật mới Quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác và sử dụng phân lân trong trồng rừng Keo ở Đông Nam Bộ và Trung Bộ" - Dự án do tổ chứ ACIAR tài trợ

Với kết quả của 4 dự án điển hình được đánh giá là rất thành công mà Viện khoa học lâm nghiệp Nam Bộ đã thực hiện trong hơn 20 năm qua, đóng góp quan trọng cho phát triển lâm nghiệp ở vùng Nam Bộ và cho ngành, cụ thể như sau:

1. Dự án phá t triển kỹ thuật trồng rừng trên đất phèn vùng đồng bằng sông Cửu Long do tổ chức JICA tài trợ, được thực hiện từ năm 1997 – 2000 và kéo dài đến 2002.

Mục tiêu của dự án: Sử dụng bền vững và hiệu quả đất phèn hoang hóa cho hoạt động sản xuất Nông - Lâm nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Kết quả chính của dự án đã được:

 (i) Về kỹ thuật vườn ươm: đã xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cây con tràm Úc trong túi bầu, kỹ thuật ghép cây, kỹ thuật giâm hom, xây dựng được các vườn giống ghép của 3 loài tràm M. leucadendra; M. cajuputy M. viridiflora và các khảo nghiệm hậu thế cho các loài tràm để xây dựng rừng giống vườn giống;

(ii) Về kỹ thuật trồng rừng: đã nghiên cứu chọn loài và xuất xứ cây trồng phù hợp vùng đất phèn gồm 2 loài Bạch đàn với 6 xuất xứ, 03 loài Tràm với 16 xuất xứ, 02 Keo với 11 dòng; xuất xứ Keo; Nghiên cứu các phương pháp làm đất, lên líp phục vụ trồng rừng bằng thủ công, máy cày, máy gầu múc lớn nhỏ; nghiên cứu về mật độ trồng rừng, bón phân, chăm sóc rừng Tràm và Bạch đàn;

(iii) Về bảo vệ rừng: đã nghiên cứu kỹ thuật bảo vệ phòng chống chuột phá hoại cây con và rừng trồng, nghiên cứu sâu bệnh hại rừng và kỹ thuật phòng chống cháy rừng đối với rừng tràm.

(iv) Nghiên cứu đánh giá tác động về môi trường từ hoạt động trồng rừng: Theo dõi định kỳ trong 4 năm về sự biến động của các yếu tố đất, nước, thảm thực vật chỉ thị, đa dạng về thực vật và các loài chim di trú;

(v) Nghiên cứu đánh giá về kinh tế-xã hội: Nghiên cứu đánh giá khả năng sử dụng gỗ Tràm vào các mục đích khác nhau thông qua việc phân tích các đặc tính cơ, lý, hoá của các loài Tràm, điều tra khảo sát, dự báo nhu cầu thị trường về sản phẩm gỗ Tràm tại đồng bằng sông Cửu Long và xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp bền vững trên đất phèn.

(vi) Đào tạo nguồn nhân lực: Dự án đã cử 13 lượt cộng tác viên đi học tập nghiên cứu ở Nhật Bản; 5 cộng tác viên đi tham quan và học tập tại Thái lan. Hỗ trợ đào tạo 01 thạc sĩ, 01 Tiến sĩ tại Nhật Bản. Giai đoạn kéo dài dự án để đào tạo chuyển giao kỹ thuật (từ 2001-2022), đã tổ chức 12 khóa tập huấn kỹ thuật với 23 chuyên đề cho 350 học viên là cán bộ kỹ thuật và nông dân chủ chốt của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

(vii) Đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị tăng cường năng lực cho Viện: xây dựng văn phòng dự án rộng 300 m2, 1,0 ha vườn ươm giống, 10 km hệ thống kênh, 3km đường cấp phối. Mua sắm ô tô, máy móc thiết bị cho vườn ươm và trồng rừng cũng như đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại cho phòng thí nghiệm phân tích đất và môi trường.

2. Dự án Quản lý lập địa và năng suất rừng trồng nhiệt đới do tổ chức CIFO tài trợ, được thực hiện từ năm 2002 – 2007. 

Mục tiêu của dự án: Hình thành hệ thống thông tin về điều kiện lập địa và năng suất rừng trồng nói chung và loài keo lá tràm nói riêng, nhất là các thử nghiệm về bảo vệ đất khác nhau; áp dụng hệ thống thông tin để xác định chế độ quản lý lập địa phù hợp nhằm duy trì và tăng năng suất rừng. 

Kết quả của chính của dự án đã được: 

(i) Kết quả nghiên cứu về quản lý lập địa đối với mô hình rừng keo lá tràm ở Phú Bình, tỉnh Bình Dương. Sau 6 năm cho thấy khi để lại vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng (lá, cành nhánh và ngọn cây) đã làm tăng lượng carbon và đạm tổng số trong đất lên 26 % và 40 % so với nghiệm thức không để lại vật liệu hữu cơ. Năng suất rừng ở các luân kỳ sau tăng từ 8,6 % đến 18,9 % tùy theo mức độ để lại vật liệu hữu cơ sau khai thác. Phun thuốc diệt cỏ theo băng (50 % diện tích) dọc hàng cây trồng chính tăng trữ lượng rừng hơn 52 % so với đối chứng không phun thuốc, bón phân lân 20 kg ha-1 cũng tăng trữ lượng rừng 10% so với không bón. Tóm lại, năng suất rừng trồng chu kỳ 2 đã cao hơn so với chu kỳ đầu khi áp dụng biện pháp quản lý lập địa bền vững. Từ kết quả của mô hình này là tiền đề để thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Bộ và năm 2015 được được công nhận tiến bộ kỹ thuật mới về quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác và bón phân lân trong trồng rừng keo ở Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ và được Bộ NN&PTNT tặng giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam năm 2018.

(ii) Về đào tạo, tập huấn: Đã cử 2 lượt cán bộ được đi đào tạo phân tích đất ở Australia, tiếp thu những phương pháp phân tích đất mới nhất; Đã có 3 lượt cán bộ đi học tập và trao đổi kết qủa nghiên cứu về quản lý lập địa ở Braxin, Trung Quốc và Inđônêxia. Phát triển từ mô hình của dự án đã đào tạo được 04 Thạc sĩ và 02 Tiến sĩ chuyên ngành và 10 bài báo khoa học được công bố ở trong nước và trên thế giới. Đã tổ chức 2 hội thảo trong nước để ứng dụng chuyển giao kết quả nghiên cứu về quản lý lập địa vào sản xuất.

3. Dự án Quản lý lâm sinh tối ưu và năng suất rừng trồng keo cho gỗ xẻ có chất lượng cao do tổ chức ACIAR tài trợ, được thực hiện từ năm 2008 – 2012 và kéo dài đến 2014.

Mục tiêu của dự án: Phát triển các hoạt động lâm sinh để có năng suất gỗ xẻ bền vững trong các doanh nghiệp nhỏ và cộng đồng ở vùng nông thôn Việt Nam.

Kết quả của chính của dự án đã được:

(i) Về hiện trường thí nghiệm: Dự án đã thiết lập được hệ thống 11 hiện trường nghiên cứu trên 4 dạng lập địa khác nhau ở 3 vùng Bắc, Trung Nam đối với loài Keo lai, Keo lá tràm và Keo tai tượng;

(ii) Về kết quả khoa học: 

+ Đánh giá được sự khác biệt rõ rệt về sinh trưởng rừng trồng keo giữa các vùng miền, rừng trồng keo sinh trưởng tốt nhất ở miền Nam, sau đó là miền Trung và kém nhất ở miền Bắc. Loài Keo lai dễ bị tác động đổ gãy khi gặp gió bão nên khuyến cáo trồng rừng Keo lá tràm có thể là sự lựa chọn tốt hơn cho làm gỗ xẻ. 

+ Bón phân lân lân có ảnh hưởng rõ đến sinh trưởng trên các lập địa ở phía Bắc, không thể hiện rõ ở các lập địa khu vực phía Nam có thể do đất tốt và điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn. 

+ Về tỉa thưa rừng và chu kỳ kinh doanh rừng: Có sự khác biệt rõ về tỷ lệ cho gỗ xẻ khi tỉa thưa ở tuổi 2 hoặc tuổi 3 từ 1100 đến/hoặc 600 hoặc 450 cây/ha. Kỹ thuật tỉa cành tạo hình thân, tỉa nâng độ cao tán đúng thời điểm là rất cần thiết giúp tối đa sản phẩm gỗ xẻ thu được và giảm thiểu sâu bệnh hại. Chu kỳ kinh doanh gỗ xẻ khoảng từ  6 – 7 năm ở miền Nam, ở miền Bắc khoảng 9 năm. 

+ Xây dựng được 07 bản hướng dẫn thông tin kỹ thuật gồm: i) Kỹ thuật chọn lập địa cho trồng rừng Keo, (ii) Phương pháp thu thập mẫu, phân tích và đánh giá đất trong trồng rừng Keo, (iii) Phương pháp xử lý Le trong trồng rừng Keo, (iv) Phương pháp bón lót phân lân trong trồng rừng Keo, (v) Phương pháp cắt đầu cành (tỉa đơn thân và tạo hình dáng thân cây); (vi) Phương pháp cắt tỉa nâng độ cao tán làm tăng tỷ lệ lợi dụng gỗ xẻ và (vii) Phương phát tỉa thưa kinh doanh rừng trồng Keo cung cấp gỗ xẻ. 

+ Thiết lập được hệ thống hỗ trợ quyết định (DSS) dựa trên 256 kịch bản khi ứng dụng các kỹ thuật lâm sinh trên các lập địa khác nhau để ước tính sinh trưởng, năng suất và tỷ lệ gỗ xẻ của rừng trồng keo giúp nhà quản lý và người trồng rừng có thông tin tốt nhất để tự ra quyết định cho rừng trồng của mình. 

(iii) Về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và truyền thông:

Dự án đã cử 4 cộng tác viên đi đào tạo Tiến sỹ tại Australia và 02 thạc sỹ đã tốt nghiệp từ sử dụng kết quả nghiên cứu của dự án. Đây là nguồn cán bộ khoa học đang được nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực có liên quan đến trồng rừng, trong đó có rừng cung cấp gỗ xẻ ở Việt Nam. Tổ chức được 3 khóa tập huấn Kỹ thuật trồng rừng gỗ xẻ tại Bình Dương, Quảng Trị và Ba Vì (Hà Nội) với 90 lượt người tham dự và xây dựng bộ video hướng dẫn trồng rừng gỗ xẻ với thời lượng dài 25 phút.

4. Dự án Hợp tác nghiên cứu chọn tạo giống và các biện pháp kỹ thuật nhằm phát triển rừng trồng cung cấp nguyên liệu sản xuất ván dăm. Đây là dự án hợp tác với doanh nghiệp trong nghiên cứu là Sumitomo Forestry – Nhật Bản, được thực hiện từ năm 2011 đến nay. 

Mục tiêu của dự án: Nghiên cứu tìm ra một số loài mới thích nghi với vùng đất phèn ngập lũ, hoàn thiện kỹ thuật tạo giống và trồng rừng cho một số loài cây phù hợp làm nguyên liệu chế biến ván dăm; các giải pháp làm giảm giá thành sản xuất cây giống và giá thành trồng rừng nhằm đáp ứng nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến ván dăm với công suất 300.000 tấn/năm của Công ty Vina Eco Board Co., Ltd thuộc tập đoàn Sumitomo Forestry – Nhật Bản đóng tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Kết quả của chính của dự án đã được: 

(i) Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống các loài cây Tràm, Keo, Bạch đàn và cây bản địa khác nhằm hạ giá thành cây con phục vụ trồng rừng; 

(ii) Nghiên cứu trồng thử nghiệm loài mới gồm 30 loài cây trồng trên đất phèn ngập ở Thạnh Hoá, Long An; 

(iii) Nghiên cứu chọn giống và xây dựng vườn giống cho các loài cây Tràm và Cà na; 

(iv) Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật làm đất, lên líp, trồng rừng, bón phân và chăm sóc rừng đối với các loài cây Tràm, Bạc đàn và Keo trên đất ngập phèn; 

(v) Nghiên cứu kỹ thuật tái sinh rừng tràm sau khai thác trắng; 

(vi) Nghiên cứu sử dụng cáp tời trong khai thác và vận xuất rừng tràm trên đất ngập phèn. 

NHỮNG ĐIỂM MỚI VÀ KINH NGHIỆM ĐƯỢC RÚT RA TỪ CÁC DỰ ÁN ĐIỂN HÌNH

+ Quá trình đề xuất, xây dựng và thực hiện dự án thay đổi về cách tiếp cận theo từng giai đoạn phát triển cho phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia. Cụ thể trước đây là các dự án hợp tác kỹ thuật để phát triển trồng rừng thường thường đã chuyển sang hợp tác nghiên cứu về quản lý lập địa để nâng cao năng suất trồng rừng và tiếp đến là nghiên cứu kinh doanh rừng trồng cho gỗ lớn, gỗ xẻ cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu và tiến tới ở mức cao hơn là liên kết với doanh nghiệp triển khai các đặt hàng nghiên cứu để chuyển giao ra thực tiễn sản xuất.

+ Thời gian thực hiện dự án ngày càng kéo dài theo chu kỳ kinh doanh của cây lâm nghiệp thay vì chu kỳ dự án từ 3 – 5 năm (giai đoạn trước 2005), tăng lên 6 năm (giai đoạn 2005-2010); đến 10 năm và lâu dài (giai đoạn 2011 đến nay khi hợp tác với doanh nghiệp là tập đoàn Sumitomo Forestry của Nhật Bản).

+ Nội dung thực hiện các dự án đã có sự lồng ghép cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu phát triển để ứng dụng và chuyển giao nhân rộng kết quả của dự án vào sản xuất.

+ Kết quả đầu ra của các dự án đều gắn với và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao giúp nâng cao năng lực nghiên cứu cho Viện.

+ Từng bước gắn kết doanh nghiệp trong nghiên cứu và doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu khoa học, điển hình như chương trình hợp tác nghiên cứu với tập đoàn Sumitomo Forestry của Nhật Bản.

Tuy nhiên, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu về rừng tự nhiên còn bị bỏ ngỏ và đây là tiềm năng rất lớn cần được quan tâm trong giai đoạn tiếp theo. 

TS. Kiều Tuấn Đạt

Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ

VIDEO CLIPS

Hoạt động của viện

Liên kết

email

Thống kê truy cập

Đang online: 9

Truy cập ngày: 17827

Tổng truy cập: 260348