Hứa hẹn khôi phục nghề chưng cất tinh dầu từ cây tràm Năm Gân

Ngày đăng: 25/10/2022 - 09:21 AM

Hứa hẹn khôi phục nghề chưng cất tinh dầu từ cây tràm Năm Gân

Vào thập niên 80-90 của thế kỷ XX, nghề chưng cất tinh dầu tràm ở khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh khá phát triển, khi đó, rừng tràm gió còn khá nhiều, là nguồn nguyên liệu dồi dào để chưng cất tinh dầu. Khi diện tích rừng tràm gió giảm mạnh, nghề chưng cất tinh dầu tràm cũng dần mai một. Hiện nay, với tiến bộ của khoa học - kỹ thuật và việc du nhập vào nước ta cây tràm Năm Gân có nguồn gốc từ Úc cho lượng tinh dầu nhiều hơn, tốt hơn và dễ thích nghi với vùng đất nhiễm phèn thì nghề chưng cất tinh dầu tràm có chiều hướng được khôi phục.

 

Những khoảng đất trống khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh còn rất nhiều, rất thích hợp cho cây tràm Năm Gân

Những khoảng đất trống khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh còn rất nhiều, rất thích hợp cho cây tràm Năm Gân

Loại cây trồng thích nghi với vùng đất nhiễm phèn

Theo Trưởng trạm Thực nghiệm lâm nghiệp Thạnh Hóa - kỹ sư Nguyễn Văn Lưu, tràm Năm Gân có tên khoa học M.quinquenervia là một trong những loại cây có hàm lượng và chất lượng tinh dầu chỉ sau cây tràm Trà, đứng hàng thứ 2 trong tổng số 42 loài cây tràm được nghiên cứu về tinh dầu. Hàm lượng tinh dầu trong lá tươi của tràm Năm Gân có thể đạt từ 1,3-2,4%, được coi là loài cây rất có triển vọng trong sản xuất tinh dầu ở Papua New Guinea và Madagascar. Vì thế, cây tràm Năm Gân cũng được nhiều người trồng gần nhà để xua đuổi ruồi, muỗi.

Ông Lưu cho biết: “Qua nhân giống và trồng thử nghiệm tại vườn ươm của trạm cho thấy, cây tràm Năm Gân thích nghi rất tốt với vùng đất nhiễm phèn kể cả vùng phèn tiềm tàng và vùng rốn phèn của Đồng Tháp Mười nói chung và huyện Thạnh Hóa nói riêng. Đặc biệt, cây sinh trưởng tốt trên vùng đất cao không bị ngập nước thường xuyên (bờ đê, ven đường giao thông nông thôn, khu đất trống,...)”.

“Cây tràm Năm Gân ưa nắng, ít sâu, bệnh, dễ trồng. Hiện Trạm Thực nghiệm lâm nghiệp Thạnh Hóa đã nhân giống thành công cây tràm Năm Gân bằng 2 hình thức là giâm hom (giâm cành) và cấy mô. Phương pháp nhân giống bằng cấy mô chi phí lớn, còn phương pháp giâm hom thì đơn giản hơn và có thể sản xuất đại trà, tuy nhiên chất lượng cây giống và tuổi thọ thì kém hơn biện pháp cấy mô. Giá 1 cây tràm con chỉ khoảng 3.000 đồng” - ông Lưu chia sẻ thêm.

Lợi ích kinh tế từ cây tràm năm gân

Hiện nay, đã có nhiều đơn vị khai thác nguồn dược liệu, trong đó có việc chưng cất tinh dầu từ cây tràm nói chung và cây tràm Năm Gân nói riêng, tuy nhiên quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ, lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu của từng đơn vị riêng lẻ và đầu ra của sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Theo kỹ sư Nguyễn Văn Lưu, hiện 1kg tinh dầu tràm Năm Gân thô có giá từ 1-1,2 triệu đồng. 1ha tràm Năm Gân cho thu hoạch từ 120-130kg tinh dầu/năm, như vậy nếu chuyên canh cây tràm Năm Gân, nông dân sẽ có thu nhập từ 100-150 triệu đồng/ha/năm. Để đạt năng suất cao, người trồng cần chăm sóc cây theo đúng quy trình của Trạm và nên bón thêm phân cho cây. Ngoài ra, với chủ trương thu hút du lịch trải nghiệm của tỉnh thì việc trồng rừng tràm Năm Gân gắn với nuôi ong mật, chế biến tinh dầu tràm tại chỗ sẽ là một hướng đi đầy triển vọng cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười.

Thấy được lợi ích từ cây tràm Năm Gân, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xây dựng Đề án trồng thử nghiệm thành công cây tràm Năm Gân tại thị xã Kiến Tường; đồng thời, phối hợp Trạm Thực nghiệm lâm nghiệp Thạnh Hóa để chuyển giao về kỹ thuật, cách chăm sóc, khai thác, nhân giống cây và phổ biến trồng rộng rãi ra ngoài.

“Thời gian tới, Trạm Thực nghiệm lâm nghiệp Thạnh Hóa tiếp tục trồng và tái sinh khoảng gần 20ha tràm Năm Gân cùng với Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật, thông tin KH&CN và Khu Bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười (thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) là các đơn vị tiên phong trong việc trồng, khai thác và chế biến nguồn dược liệu từ tinh dầu cây tràm Năm Gân” - kỹ sư Lưu cho biết thêm.

Khôi phục nghề chưng cất tinh dầu từ cây tràm

Trước đây, giai đoạn 2014-2016, Trạm Thực nghiệm lâm nghiệp Thạnh Hóa thường xuyên phối hợp các chủ cơ sở chưng cất tinh dầu tràm trên địa bàn huyện Thạnh Hóa để chế biến tinh dầu tràm Năm Gân. Ông Dương Văn Hiền (ấp 2, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa) thông tin: “Tôi phụ gia đình nấu (chưng cất) tinh dầu tràm gió từ những năm 1980. Sau này, diện tích rừng tràm gió ngày càng thu hẹp, không có nguyên liệu nên nghỉ nấu. Đến khi Trạm Thực nghiệm lâm nghiệp Thạnh Hóa ký hợp đồng, người dân ở đây lại tiếp tục nghề nấu dầu tràm, tuy nhiên cũng chỉ là nghề phụ vì nguồn nguyên liệu khan hiếm và đầu ra khá bấp bênh”. Được biết, nghề nấu dầu tràm trên địa bàn các xã Tân Đông, Tân Tây và Thủy Đông trước đây có cả trăm hộ làm, nay chỉ còn “đếm trên đầu ngón tay”.

Ông Hiền cho hay: “Khi nấu dầu tràm Năm Gân, tôi thấy lượng tinh dầu nhiều hơn và mùi thơm hơn so với cây tràm gió bản địa trước đây. Giá bán tinh dầu tràm Năm Gân cũng cao và được các công ty thu mua”. Cũng theo ông Hiền, nếu có nguồn nguyên liệu ổn định (lá tràm tươi), ông cùng nhiều hộ sẽ quay trở lại nấu dầu tràm vì theo giá mà Trạm thuê một ngày nếu nấu một lò thì có thu nhập gần 300.000 đồng. Giá tiền đầu tư một lò nấu tinh dầu tràm chỉ tốn khoảng 10 triệu đồng.

“Nhiều hộ nấu dầu tràm ở xã Tân Đông, Tân Tây có tay nghề hàng chục năm nấu dầu tràm nên họ không ngại gì việc quay trở lại nghề này” - ông Hiền nói./.

 Mộc Lâm

link dẫn: https://baolongan.vn/hua-hen-khoi-phuc-nghe-chung-cat-tinh-dau-tu-cay-tram-nam-gan-a137769.html

VIDEO CLIPS

Hoạt động của viện

Liên kết

email

Thống kê truy cập

Đang online: 13

Truy cập ngày: 18685

Tổng truy cập: 261206